Biện pháp Buôn_bán_động_vật_hoang_dã

Giải pháp chung

Bài chi tiết: Bảo tồn sinh học
Bò rừng (Bos javanicus) là đối tượng buôn bán động vật trái phép để lấy sừng trang trí, nay đã bị cấm ở Việt Nam

Việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã thường hoạt động có tổ chức và mang tính chất quốc tế, đằng sau những phi vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là những tổ chức tội phạm rất tinh vi và có tổ chức chặt chẽ. Vấn nạn này vẫn diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Do đó cần có những cam kết chính trị mạnh mẽ hơn, nâng cao năng lực và hành động thực thi pháp luật cũng như nhận thức và hành động của cộng đồng. Chính phủ các nước có trách nhiệm phải chủ động tránh những thảm họa trong tương lai bằng việc ban hành hoặc thay đổi các quy định pháp luật để bảo vệ môi trường và thực thi luật pháp tốt hơn.

Buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã là vấn nạn toàn cầu. Tuy nhiên việc ngăn chặn tội phạm này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Theo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever thì việc xử lý chỉ dừng lại ở việc bắt người vận chuyển - không có vai trò chủ chốt trong đường dây. Cần phải điều tra kẻ chủ mưu đứng sau những vụ buôn bán trái phép để có biện pháp ngăn chặn và xử lý tận gốc. Việc buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã thường hoạt động có tổ chức và mang tính chất quốc tế. Do đó cần có những cam kết chính trị mạnh mẽ hơn, nâng cao năng lực và hành động thực thi pháp luật cũng như nhận thức và hành động của cộng đồng, cần liên kết và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị liên quan bởi thực thi pháp luật riêng rẽ sẽ không chấm dứt được nạn buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã.

Việc liên kết, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các quốc gia là cần thiết trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, vật hoang dã, do đó, việc hợp tác, liên kết, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các quốc gia là cần thiết. Giải pháp khác như đóng cửa tất cả các chợ trái phép dành cho thị trường buôn bán động vật trái phép là tối ưu là phá bỏ nguồn cầu để không còn nguồn cung, giảm tình trạng săn bắn gần như hoàn toàn. Tịch thu súng đã đóng góp vào sự giảm thiểu đe doạ tới động vật hoang dã, đặc biệt là các loài động vật trên cây như linh trưởng. Nhiều tổ chức cũng lên kế hoạch hợp tác với chính phủ các nước và các cơ quan bảo vệ động vật trên khắp thế giới nhằm gửi thông điệp kêu gọi không ai được buôn bán hay mua sừng tê giác, ngà voi, các bộ phận và sản phẩm từ hổ và tê tê.

Việc tiêu thụ động vật hoang dã ở Nam Phi chủ yếu liên quan đến loài linh dương. Chính phủ Nam Phi cho phép săn bắt linh dương để lấy thịt và được quản lý theo cách thức bền vững. Quản lý động vật hoang dã là rất quan trọng để số bị tiêu hao không vượt số được sinh ra. Những loài động vật quý như tê giác không cho phép bị giết để lấy thịt hoặc sừng trong văn hóa châu Phi. Các quy định về tiêu thụ động vật hoang dã phải dựa trên các đánh giá khoa học về số lượng và môi trường sống của chúng. Chỉ khi nào số lượng của loài nào đó dồi dào chính phủ mới cho phép săn bắt. Luật phải thay đổi kịp thời theo các nghiên cứu khoa học. Và người vi phạm phải bị xử lý nghiêm khắc vì họ đã lấy trộm và tước đoạt của toàn xã hội những điều đẹp đẽ.

Những đề xuất của Tổ chức động vật châu Á (AAF) cho tổ chức TPP để có thể ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã, TPP cần bao gồm ít nhất:

  • Các điều khoản yêu cầu tất cả các bên cấm xuất, nhập khẩu sản phẩm từ động thực vật hoang dã vi phạm luật trong và ngoài nước
  • Các điều khoản phạt và thực thi luật pháp do vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã trong từng nước
  • Các điều khoản nhằm tăng cường thực thi Công ước về buôn bán các loài động thực vật đang bị nguy hiểm (CITES), bao gồm các giải pháp liên quan đến các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng
  • Các điều khỏan về không thực thi luật trong nước và/hoặc luật quốc tế và giải quyết tranh chấp

Việt Nam đã có đề xuất để các quốc gia thành viên có thể cùng nhau giải quyết vấn nạn buôn bán động thực vật hoang dã, và đặc biệt là xóa bỏ thị trường dành cho các sản phẩm phi pháp này, để xóa sổ thị trường buôn bán các sản phẩm hoang dã, cần tiến hành các biện pháp:

  • Phát triển và thực thi những chiến lược giảm cầu để người tiêu dùng không muốn và không thể mua các sản phẩm hoang dã
  • Tiến hành những chiến dịch nâng cao nhận thực để gây ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng đồng thời để người dân có nhận thức hơn nữa về những hậu quả và tác động của việc sắn bắt và buôn lậu động thực vật hoang dã (truyền thông và thay đổi hành vi).
  • Cải tiến luật pháp và tăng cường việc thực thi luật pháp để người tiêu dùng không thể mua những sản phẩm hoang dã
  • Củng cố mối quan hệ đối tác ở mọi cấp, quốc gia, khu vực và quốc tế, giữa chính phủ và các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong nỗ lực bảo vệ đời sống hoang dã.

Các định chế

Có nhiều hiệp định liên chính phủ về bảo vệ động vật hoang dã quan trọng như: Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); Công ước đa dạng sinh học (CBD); Công ước bảo tồn các vùng đất ngập nước (Ramsar); Diễn đàn Hổ toàn cầu (GTF); Sáng kiến Hổ toàn cầu (GTI). Trong đó, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) là một văn kiện pháp lý quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chống lại hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã, công ước này liệt kê ra danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ và khuyến nghị biện pháp bảo vệ, trên cơ sở công ước này, chính quyền các nước sẽ thể chế hóa thành các quy định pháp luật của quốc gia để xác định những hành vi buôn bán động vật bất hợp pháp, trái phép, tính chất buôn lậu từ đó có chế tài trách nhiệm pháp lý cụ thể.

Định chế bảo tồn quốc tế
Một số định chế quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã có ảnh hưởng như WWF, IUCN, FFI

Một số định chế khác đáng chú ý như:

  • Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) hay Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, hoặc còn gọi là Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn Cầu, tên gọi cũ là Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới hoặc Quỹ Bảo vệ Đời sống Thiên nhiên Thế giới (tên giao dịch tiếng Anh: World Wildlife Fund) là một trong những tổ chức phi chính phủ (NGO) lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên.
  • Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tên giao dịch tiếng Anh là: International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, từ năm 1990 tới tháng 3 năm 2008 còn được gọi là World Conservation Union tức là Liên minh Bảo tồn Thế giới là một tổ chức bảo vệ thiên nhiên, được biết đến qua việc công bố cuốn Sách đỏ hàng năm.
  • Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) tên giao dịch tiếng Anh: Conservation International là một tổ chức phi chính phủ, bất vụ lợi, với mục đích chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học trong việc liên kết với những tổ chức phi chính phủ và những người tình nguyện khắp thế giới.
  • Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) được thành lập vào năm 1895 với tên "Hiệp hội Động vật học New York" (NYZS), Hoa Kỳ hiện đang hoạt động để bảo tồn hơn 2 triệu dặm vuông ở những nơi hoang dã trên toàn thế giới.
  • Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WSPA) tên giao dịchtiếng Anh: World Society for the Protection of Animals là một tổ chức phúc lợi động vật phi lợi nhuận quốc tế. Hiệp hội còn là một liên đoàn các tổ chức có mục đích tương tự, hoạt động tại hơn 150 quốc gia với hơn 1000 đoàn thể thành viên.
  • Tổ chức Động thực vật Thế giới (FFI) tên giao dịch tiếng Anh: Fauna & Flora International trước đây gọi là Hiệp hội Bảo tồn Động thực vật, là một tổ chức phi chính phủ và thiện nguyện về bảo tồn quốc tế.
  • Quỹ quốc tế Bảo vệ động vật (IFAW) tên giao dịch tiếng Anh: International Fund for Animal Welfare là một tổ chức phi chính phủ trụ sở tại Mỹ chuyên đấu tranh cho việc bảo vệ và phúc lợi động vật.
  • Mạng lưới giám sát bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) tên giao dịch tiếng Anh: Wildlife Trade Monitoring Network là một mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã trên toàn cầu là tổ chức được tạo ra từ sự kết hợp, liên minh giữa tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế và WWF
  • Quỹ Freeland là một tổ chức phòng chống buôn bán động vật hoang dã và buôn người có trụ sở tại châu Á.
  • Liên minh chống buôn bán động vật hoang dã (CAWT) được thành lập năm 2005 bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ như một liên minh tự nguyện của các chính phủ và các tổ chức nhằm chấm dứt buôn bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã và động vật hoang dã
  • Mạng lưới thi hành luật chống lại nạn buôn lậu động vật hoang dã của ASEAN (ASEAN-WEN) tên giao dịch tiếng Anh: ASEAN Wildlife Law Enforcement Network là mạng lưới bảo tồn động vật ở Đông Nam Á mà Việt Nam từng là chủ tịch.
  • Mạng lưới thực thi Nam Á (SAWEN) là mạng lưới được tạo ra với sự trợ giúp của các tổ chức như CAWT và TRAFFIC gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka
  • Những người tranh đấu cho sự đối xử có đạo đức với động vật hay Tổ chức Đấu tranh vì sự đối xử có đạo đức với động vật (PETA) tên giao dịch tiếng Anh là People for the Ethical Treatment of Animal là một tổ chức được cho là đại diện cho quyền lợi và việc đối xử nhân đạo đối với các loài động vật hay còn gọi là tổ chức vì quyền động vật Peta (People for the Ethical Treatment of Animals - Vì ứng xử có đạo đức với động vật).
  • Tổ chức United for Wildlife do Hoàng tử William của Anh làm chủ tịch
  • Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (WJC) tên giao dịch tiếng Anh: Wildlife Justice Commission là ủy ban từng điều tra về Việt Nam về nạn buôn bán sừng tê giác và cáo buộc Chính phủ Việt Nam tham nhũng đồng lõa.
  • Tổ chức Động vật châu Á (AAF) tiên giao dịch tiếng Anh: Animals Asia Foundation là tổ chức bảo vệ cho các động vật và vật nuôi ở châu Á, tổ chức Animals Asia cũng đã ký một biên bản ghi nhớ với Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam để giải cứu những con gấu chó còn lại trong các trang trại trên toàn quốc.
  • Tổ chức Animals Australia (Tổ chức Động vật Australia): Tổ chức lên tiếng cho phúc lợi động vật ở Úc. Đây cũng là tổ chức đã lên tiếng phản đối Việt Nam vì cách giết mổ bò và gây áp lực lên Chính phủ Úc về việc dừng xuất khẩu bò sống sang Việt Nam.
  • Dự án ''Giải cứu Mèo lớn'' (tiếng Anh: Big Cat Rescue) ở Tampa, Florida thuộc Hoa Kỳ chuyên nuôi nhốt, chăm sóc các loài mèo lớn như hổ, sư tử, báo đốm, báo hoa mai, báo săn, báo sư tử, linh miêu.

Cơ chế phối hợp

Các tổ chức quốc tế tham gia bảo vệ động vật hoang dã như Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), các tổ chức này cùng với Ban thư ký CITES, Cơ quan Liên hợp quốc về ma tuý và tội phạm (UNODC) và Ngân hàng thế giới thành lập Liên minh quốc tế về phòng chống tội phạm xâm hại động vật, thực vật hoang dã (ICCWC). Các biện pháp kiểm soát quốc tế đã được triển khai trong đó đáng chú ý bao gồm việc tổ chức Liên minh chống buôn bán động vật hoang dã (CAWT) được thành lập năm 2005 bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ như một liên minh tự nguyện của các chính phủ và các tổ chức nhằm chấm dứt buôn bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã và động vật hoang dã. CAWT hiện bao gồm sáu chính phủ và mười ba tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO). Chương trình hành động của họ bao gồm nâng cao nhận thức của công chúng để hạn chế nhu cầu, tăng cường thực thi pháp luật xuyên biên giới quốc tế để hạn chế cung cấp, và nỗ lực huy động hỗ trợ chính trị từ cấp trên.

Một định chế khác được thành lập là Hiệp hội Mạng lưới Thực thi Hoang dã Quốc gia Đông Nam Á, Quỹ Freeland và TRAFFIC Đông Nam Á đã làm việc với chính phủ Thái Lan và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập Mạng lưới thực thi động vật hoang dã ASEAN (ASEAN-WEN) vào năm 2005. Đây là một liên minh hỗn hợp các bên. Liên minh ASEAN-WEN giám sát các hợp tác xuyên biên giới và nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật tập thể của mười nước thành viên ASEAN vốn là những quốc gia có vấn nạn về buôn bán động vật. Đây là sự hợp tác thực thi pháp luật động vật hoang dã lớn nhất trong khu vực trên thế giới và nhận được sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ là nước cũng rất quan tâm đến tình hình. Mạng lưới thực thi Nam Á (SAWEN) được tạo ra với sự trợ giúp của các tổ chức như CAWT và TRAFFIC. Năm 2008, các bộ trưởng môi trường Nam Á đã đồng ý tạo SAWEN dưới sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường Hợp tác Hợp tác Nam Á. Các quốc gia SAWEN bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.

Tổ chức United for Wildlife cam kết sẽ sử dụng ảnh hưởng toàn cầu của mình để tạo khác biệt trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán động vật. United for Wildlife lên kế hoạch sử dụng công nghệ thông minh như hệ thống định vị toàn cầu GPS và máy bay không người lái để bảo vệ các động vật có nguy cơ tuyệt chủng và cũng sẽ thúc đẩy các nỗ lực đưa tội phạm buôn bán động vật trái phép đối diện công lý cũng như ủng hộ những cộng đồng có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi ngành kinh doanh trái phép này. Từng kêu gọi thế giới chung tay chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép khiến các động vật quý hiếm như voi, tê giác, và hổ đứng bên bờ tuyệt chủng, khuyến khích mọi người trên khắp thế giới nỗ lực ngăn chặn vấn nạn giết chóc động vật hoang dã quý hiếm để lấy xương, da, và ngà vốn đang là sản phẩm ưa chuộng tại nhiều khu vực ở châu Á.

Nhằm bảo vệ động vật trước vấn nạn buôn bán bất hợp pháp, các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn động vật ở Indonesia đang sử dụng công nghệ cao, thậm chí cả các ứng dụng trên điện thoại thông minh để lập bản đồ tuyến buôn bán các loài động vật được bảo vệ dựa trên mã vạch DNA. Hiệp hội Bảo tồn động vật và thực vật (WCS) sử dụng phần mềm để thiết lập các tuyến đường của kẻ buôn bán động vật hoang dã và trích xuất dữ liệu từ các thiết bị điện tử bị thu giữ từ các nghi phạm. Trung tâm Cứu hộ động vật Indonesia (IAR) kiểm tra chứng cứ dựa trên mã vạch DNA để xác định loài. Thông tin trong ứng dụng phần mềm của các tổ chức phi chính phủ (liên quan đến khoảng 700 loài và 2.000 bức ảnh) đã giúp các cơ quan chức năng ở Indonesia và Thái Lan điều tra các mạng lưới buôn bán. Giới chức Thái Lan và Mỹ báo cáo hai nước đang đạt được tiến bộ trong một nỗ lực chung nhằm hạn chế nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, Thái Lan có một đồng minh trên mặt trận thực thi pháp luật chống lại hoạt động buôn bán này đó là chính phủ Mỹ, việc hợp tác với Mỹ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc giảm nạn buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm bất hợp pháp liên quan.

CITES đã có chỉ đạo các nỗ lực của mình ở phía cung cấp buôn lậu động vật hoang dã nhằm mục đích chấm dứt buôn lậu động vật hoang dã và để đảm bảo rằng thương mại quốc tế không đe dọa các loài đang bị đe dọa. Việt Nam là thành viên của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994 và cũng là thành viên của mạng lưới thực thi pháp luật về động vật hoang dã của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á từ năm 2005. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đa tham gia ký kết rất nhiều các Công ước và Hiệp định quốc tế đa phương và song phương liên quan đến vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và đấu tranh phòng chống tội phạm quyên quốc gia. Về cơ chế hợp tác song phương, tại các diễn đàn về bảo vệ động vật hoang dã, Việt Nam có đề xuất các ý kiến, giải pháp phối hợp tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán giữa các quốc gia nguồn gốc, quốc gia trung chuyển và quốc gia tiêu thụ (điểm đến cuối cùng).

Việt Nam đã ký các Biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác song phương trong lĩnh vực này với các quốc gia: Indonesia, Nam Phi, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cộng hoà Czech, Mozambique. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng đối phó với nạn buôn bán động vật hoang dã bằng cách cấm việc sử dụng thương mại sừng tê giác và ngà voi, cũng như ký kết thỏa thuận với Cộng hòa Nam Phi. Việt Nam cùng đại diện các tổ chức quốc tế khởi động chiến dịch “Cùng hành động tạo sự thay đổi” (OGC) nhằm chấm dứt buôn bán động vật hoang dã trái phép, đại sứ Hoa Kỳ, các quan chức cấp cao của Bộ Tài nguyên-môi trường và Bộ Nông nghiệp-phát triển nông thôn Việt Nam cùng đại diện các tổ chức quốc tế tham gia khởi động chiến dịch “Cùng hành động tạo sự thay đổi” nhằm hình thành một liên minh để chấm dứt các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là sừng tê giác. Sự kiện khởi động OGC cũng đánh dấu kỷ niệm sự hợp tác tiếp tục của hai nước nhằm chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trong khu vực và trên toàn thế giới.

Cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều quan tâm đến việc phòng chống nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Tội phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã đã và đang làm suy yếu nền pháp trị của tất cả các nước, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam. Gần đây, việc buôn bán, sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã có xu hướng giảm. Nhưng cuộc đấu tranh cần phải tiếp tục với những nỗ lực cao hơn nữa để đạt được đấu tranh chống buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã ngày càng là vấn đề ưu tiên của cả Anh và Việt Nam. Việt Nam đóng vai trò quan trọng và hợp tác với Anh để có thể giúp tìm ra các giải pháp cần thiết và thực hiện các giải pháp đó. Hoạt động này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và an ninh của mỗi quốc gia, trong đó Việt Nam đang là một trong những điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã trên thế giới.

Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức khởi động dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Chương trình có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Anh, Nam Phi, Hoa Kỳ tại Việt Nam, 15 tổ chức quốc tế cùng các bộ, ban, ngành Việt Nam. “Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã” không chỉ là cam kết giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ mà còn kết nối với nỗ lực của các tổ chức khác trong và ngoài Việt Nam có tham gia phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã. Với gần 10 triệu USD hỗ trợ không hoàn lại, dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã sẽ thực hiện 3 mục tiêu tích hợp và bổ trợ lẫn nhau gồm kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tội phạm về các các loài động vật hoang dã; tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm về các loài động vật hoang dã; giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bất hợp pháp từ động vật hoang dã. Dự án tập trung vào 3 nhóm loài nguy cấp gồm tê giác, voi và tê tê ở các khu vực địa lý trọng điểm bao gồm các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, tại các điểm nóng về buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã tại các vùng biên, hải cảng và sân bay.

Tuyên truyền

Để thay đổi nhận thức và chấm dứt việc tiêu thụ động vật hoang dã thì giáo dục là bước đi tích cực đầu tiên. Cần nâng cao nhận thức về động vật hoang dã và vai trò của công tác bảo tồn thiên nhiên trong các cộng đồng dân cư, đặc biệt là tại các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng, cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội với công tác bảo tồn ở các địa phương, xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức bảo tồn cho các cộng đồng địa phương. Ở châu Phi, một số tổ chức phi Chính phủ còn tài trợ để xây dựng ngôi trường học xung quanh khu bảo tồn, tại các làng vùng bìa rừng, nơi đó, họ sẽ dạy cho các thế hệ người bản địa biết về tầm quan trọng của việc bảo tồn, là cách thức bền vững và quan trọng từ từ để chuyển biến ý thức của người địa phương, giảm thiểu tình trạng săn bắt và buôn bán động vật trái phép.

Cũng cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo tồn động vật hoang dã thông qua các chương trình giáo dục bảo tồn, xử lý các đối tượng phạm tội và nâng cao nhận thức các cơ quan pháp luật các cấp nhằm tăng cường xử lý các vi phạm và tội phạm về động vât hoang dã. Hoàng tử William của Anh đã thể hiện sự quan tâm đối với vấn đề mua bán trái phép động vật hoang dã và sử dụng ngà voi, sừng tê giác ở châu Á, nhấn mạnh ngà voi và sừng tê giác chỉ là biểu tượng của sự hủy diệt, tàn phá môi trường chứ không phải là sự sang trọng, đẳng cấp hay quý phái, ông và các cộng sự đã tích cực để siết chặt việc mua bán và vận động người dân từ bỏ niềm tin vào việc sử dụng các bộ phận của động vật hoang dã như thần dược có thể chữa bách bệnh.

Vấn nạn buôn động vật ngày càng lớn hơn do có sự gia tăng nhu cầu trên toàn thế giới đối với các loài động vật đang bị đe dọa, cũng như những bộ phận cơ thể bán được rất nhiều tiền của chúng do đó, mỗi một người trên hành tinh này đều nên hiểu rõ hậu quả từ hành động của mình, đặc biệt là khi mua sắm và tiêu dùng. Những thứ tiện lợi hoặc tốt cho người này có thể gây ra đau khổ và tiêu cực đến người khác hoặc loài khác. Cần xây dựng và thực hiện chiến dịch truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về giảm dần tiêu thụ những sản phẩm có nguồn gốc và liên quan tới các loài động vật hoang dã nhằm bảo vệ hiệu quả các loài quý hiếm, Thông qua giáo dục, có sự hiểu biết và biết tôn trọng vạn vật quanh mình. Nhưng giáo dục đôi khi phải cần hàng chục năm hoặc vài thế hệ mới có thành tựu.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Buôn_bán_động_vật_hoang_dã http://www.doisongphapluat.com/tin-the-gioi/thai-l... http://www.msnbc.msn.com/id/19092695/ http://news.nationalgeographic.com/news/2007/07/07... http://voices.nationalgeographic.com/2014/03/10/a-... http://adsabs.harvard.edu/abs/2012PLoSO...729505S http://adsabs.harvard.edu/abs/2015Sci...348..291C http://adsabs.harvard.edu/abs/2015Sci...349..481Y http://adsabs.harvard.edu/abs/2017NatSR...712852C http://scholarship.law.wm.edu/cgi/viewcontent.cgi?... http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161119-lang-nhi-khe-%E...